Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Cà phê đầu đời

Ở ta, Sài Gòn hẳn là nơi đầu tiên có tiệm cà phê, có lẽ vào năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XIX. Còn Hà Nội thì tất nhiên là đã tiếp nhận thứ thức uống đời mới ấy sau Sài Gòn, song không phải đến mãi sau khi Tây hạ thành Hà Nội lần thứ hai, năm 1882.
Café de Beira phố Hàng Khảm khai trương năm 1884, là quán cà phê mọc lên sớm nhất ở Hà Nội , nhiều người khẳng định vậy, cả viết lên báo và cả viết trong sách. Điều đó hình như chỉ đúng có một nửa thôi. Năm 1884, Hàng Khảm là đại lộ kiểu Tây đầu tiên của Hà Thành, nối Khu nhượng địa Đồn Thuỷ với đồn binh ở Cửa Nam (cái tuyến Hàng Khảm thuở xưa ấy ngày nay gồm ba phố: Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi). Nhưng Café de Beira không phải ở Hàng Khảm mà nằm chếch ra, ở chỗ bây giờ là ngã tư Hai Bà Trưng – Nguyễn Khắc Cần. Quán cà phê đó phải đã có trước năm 1884, và cả trước 1882 nữa, bởi vì nó vốn là một cái căng – tin sĩ quan trong nhượng địa Đồn Thuỷ. Mà nhượng địa này thì Tây đã giành được từ năm 1875, nhờ vào Hoà ước Giáp Tuất.

Vả lại, Café de Beira (cho tới quãng 1959/60 vẫn thấy nhiều người lớn tuổi gọi khu nhà tập thể Bộ lương thực, số 10 Hai Bà Trưng, là “nhà Bây ra”) là quán của Tây, lại Tây nhà binh nên người mình chắc không lui tới, do vậy không thể được xem là quán cà phê đầu tiên của người Hà Nội. Vậy thì quán nào năm nào? Dò hỏi các bậc tiền bối thông tỏ muôn sự Hà Thành như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà văn Hà Ân, sử gia Trần Quốc Vượng, mà các cụ không biết cụ thể chính xác, nên tôi hậu sinh lại càng không thể biết được. Chỉ có thể chắc chừng là cà phê Hà Nội đã có từ lâu lắm rồi, bởi vì vào khoảng đầu thế kỷ XX đã có quán cà phê tại những nơi rất bình dân.
Như ở ngõ Cấm Chỉ. Bây giờ thì mất rồi, nhưng cho tới năm 1969, trước khi xa Hà Nội đi Bê tôi vẫn còn thấy trên cổng một ngôi nhà chỗ góc Cấm Chỉ – Kỳ Đồng con số 1906 và dòng chữ Café de Paris. Số và chữ khá to, được đắp nổi, nhưng đã phủ rêu và ẩn dưới mái tôn nên được cha tôi chỉ cho tôi mới thấy. Tuy tên quán chữ Tây, lại còn Paris nữa, nhưng ngõ Cấm Chỉ vào năm 1906 thì Tây nào lai vãng, nên chắc hẳn đó là quán cà phê của người Việt, mà người Việt tầng lớp bình dân.
Hà Nội, thuở tôi còn tuổi học trò, mười năm hoà bình giữa hai cuộc chiến, tuy đã hoàn toàn là đời sống “phe ta – dân chủ nhân dân” nhưng hình hài thời Pháp thuộc hầu như còn cả đó. Các cửa hiệu, hãng buôn, cao lâu, tửu quán, khách sạn, tòa báo… tất cả đã dẹp tiệm, đã đóng cửa, đã công hữu hoá, mậu dịch hoá, nhưng cái mác cái danh của những cơ sở đó thì vẫn còn thấy. Do hồi xưa ấy người ta hay đắp nổi tên với năm ra đời của hãng lên cổng hoặc lên mặt tiền tầng trên toà nhà, và cả những tư gia cũng vậy, cũng có năm sinh của ngôi nhà trên cổng, nên qua các con số có thể cảm nhận được những giai đoạn phát triển của Hà Nội trước 1954. Thấy nhiều nhất là các toà nhà, biệt thự, hãng buôn ra đời trong vòng mười năm từ 1930 tới 1939. Thứ nữa là các năm: 1949, 1950, 1951, tức là khoảng giữa thời Tạm chiếm.

Những ngôi nhà của thập niên 1920 không nhiều, trước đó nữa lại càng hiếm. Nhưng, rất lạ, mặc dù được xây dựng tại những nơi rất xa khu phố Tây, và rất sớm, 1919, 1915, 1910, 1905, thậm chí 1903, vừa khi có cầu Long Biên, thậm chí cả trước đó nữa, 1887, mà chúng hầu hết là nhà kiểu Tây, nhà gạch hai tầng, chí ít thì đấy không phải kiểu nhà truyền thống của người Việt. Ngôi nhà có con số 1887 đắp nổi trên cổng chính tọa lạc đầu phố Nguyễn Thiệp (năm 1966 nhà này bị bom Mỹ đánh sập), theo nhớ lại của nhà văn Hà Ân, thì đấy là ngôi nhà đầu tiên của người Hà Nội xây theo kiểu Tây. 1887, nghĩa là chỉ 5 năm sau khi quân Pháp đánh chiếm Hà Thành lần thứ hai. Và vào năm đó, 1887, ngoại trừ quân lính đóng đồn trong Thành, người Pháp dân sự vẫn đang sống cụm lại ở nhượng địa Đồn Thuỷ, thế mà ngoài phố đã có người Việt xây nhà kiểu Pháp ! Quá trình tiếp thu đời sống mới khởi sự thật là sớm sủa.
Bởi vì người Việt mình, một mặt có tinh thần dân tộc rất cao, luôn quyết liệt chống quân xâm lược nước ngoài, nhưng mặt khác lại không mù quáng chống người nước ngoài, không mắc tật bài ngoại. Người mình không có cái lối anh hùng rơm, chẳng hạn vì chính sự có khúc mắc gì đó với người Nhật thì ồ ạt đàn lũ đổ ra đường hò hét chửi bới nước Nhật người Nhật, đốt cờ Nhật, đập phá xe hơi mác của Nhật. Tuy Tây là kẻ thù xâm lược thật đấy, nhưng họ có thứ gì hay thì người mình vẫn chuộng và vẫn xài. Nhà cửa, xe cộ, vật dụng, đường xá, cầu cống, đèn đóm, điện nước. Nói chung là đời sống đô thị tân thời chẳng phải hầu hết gốc gác từ Tây cả đó sao. Rồi cả chữ cái vẫn viết hàng ngày nữa. Rồi trang phục, đầu tóc. Đủ thứ.

Trước cuộc chiến tranh năm 1979 tôi sống ở phố Hàng Cân, nhà 21, vốn là một cửa hiệu của người Tàu nhưng lại chuyên về buôn bán các đồ ăn thức uống của Tây. Hiệu buôn cha truyền con nối từ khai trương năm 1878 tới tận khi “đánh tư sản” 1958. Hậu duệ cuối cùng của chủ hiệu là bà cụ Lìm, độc thân, vẫn sống ở 21 Hàng Cân cho tới ngày phải rời đất Việt hồi hương. Bà cụ vẫn còn giữ làm kỷ vật được sổ sách từ thuở ban đầu của cửa hiệu. Đã ố vàng và toàn chữ Nho, nhưng bà Lìm đọc được, bà dịch cho tôi. Năm khai trương là Mậu Dần thời vua Tự Đức. Hàng họ thì tạp pí lù, tôi không nhớ hết được, chỉ nhớ là rặt những sản phẩm Âu châu : bột mỳ, rượu nho, rượu ngải, rượu cồn, dầu ô liu, pho mai, thuốc lá sợi, thuốc lá nhai, đường kính… và, cà phê.
Năm Mậu Dần, 1878, Hà Thành và toàn bộ Bắc Kỳ vẫn là của triều đình Việt Nam, Tây chỉ có một phái bộ vài trăm người bị cô lập lại trong Đồn Thuỷ. Nên tôi nghĩ các thứ như thuốc lá, rượu vang, cà phê của cửa hiệu Hàng Cân được bán chủ yếu cho người Việt xài, chứ Tây đâu ra. Mà Hàng Cân thì chỉ là phố nhỏ, gần như khuất nẻo, bởi thế hồi đó nhất định là còn có những cửa hiệu buôn đồ Tây lớn hơn nhiều nằm ở các phường phố buôn bán sầm uất của Hà Thành. Nghĩa là hồi đó, những năm nửa cuối thập niên 70 thế kỷ XIX, mặc dù đang trong tình trạng nửa chiến tranh với Pháp, dân Hà Nội vẫn không ít người xài đồ Pháp. Và nguồn hàng của các cửa hiệu buôn đồ Âu châu chắc là phải từ Nam Kỳ thuộc địa của Pháp buôn ra. Chiến tranh thì chiến tranh vẫn có giao thương, vẫn có buôn bán qua lại. Thời thế ra sao mặc thời thế, người Hà Nội vẫn phải sống và vẫn gắng sống sao cho dễ chịu nhất có thể được.
Riêng về cà phê, thì theo như tôi thấy ở sổ sách của cửa hiệu xưa nhà 21 Hàng Cân, thứ đồ uống đó đã ra Hà Nội từ những năm tương đối hoà bình, giữa hai lần Hà Thành thất thủ. Và người ta mua cà phê chắc không chỉ để pha uống tại gia, vì cũng như rượu, như trà, mấy ai mà cứ mãi mãi nhất mực nhấm nháp cà phê một mình ở nhà riêng cho được. Cho nên quán đầu tiên cà phê của người Hà Nội có lẽ là đã ra đời vào khoảng những năm từ 1875 tới trước 1882.
Café de Paris, 1906, ở ngõ Cấm Chỉ, tuy có thể không phải là quán đầu tiên, song vẫn đáng được coi là quán cà phê Hà Nội nhiều tuổi đời hạng nhất nhì. Bởi vì cho tới năm 1969 đấy vẫn là quán cà phê, dù là “cà phê chui”, vô danh. Mất tên nhưng vẫn tồn tại nên vẫn còn tuổi. Khi tôi lần đầu vào đó, đó là một quán cà phê Hà Nội đã 63 năm tuổi.
Phải là quán chui vì cà phê là thứ đồ uống quốc cấm. Hồi đó chỉ thứ gì mậu dịch phân phối mới là đồ ăn đồ uống chính danh, còn của tư nhân tư hữu bán ra thì ít nhiều đều là sự ăn uống bất chính. Có lúc bị cấm ráo riết, có lúc bị cấm vừa chừng, thậm chí lơi lỏng, nhưng dù gì, quán cà phê vẫn cần náu danh ẩn mình mới tồn tại nổi. Cái thời ấy nó thế, may thay cà phê Hà Nội chỉ gặp hạn có cái thời đó thôi,
Lớn lên trong thời buổi đó nên cũng dễ hiểu là đã 17 tuổi mà tôi chưa từng nếm một giọt cà phê. Bữa đó vào quán Cấm Chỉ là lần đầu trong đời tôi biết quán cà phê. Tôi đi cùng cha tôi vào đấy. Buổi chiều, ngay trước ngày tôi nhập ngũ. Cấm Chỉ ngày đó vắng ngắt, mà nhem nhuốc, nhà một tầng tệ hơn nhà cấp bốn, thậm chí cả nhà mái lá, vá chằng vá đụp, chỉ mỗi cái “Café de Paris” ấy là nhà hai tầng, nhưng cũng rất xập xệ, rêu mốc, tróc lở. Ở cổng bày cái kệ bán dưa cà. Bên trong, tầng trệt, thì là quán chè đậu đen, không hẳn quán chui nhưng cũng chẳng công khai.
Cha tôi chào bà cụ bán dưa cà, bà cụ nhìn thấy rõ là khách quen, mới đẩy hé cánh cửa ra mời vào. Lẳng lặng đi ngang tầng trệt, vòng ra sân sau, trèo cầu thang lên áp mái. Cà phê phin trên đó. Một khoang gác ọp ẹp. Dăm bộ bàn ghế thấp tịt. Khách khứa lặng lờ như những cái bóng, không ai nhìn rõ ai. Có tiếng trò chuyện nhưng rất khẽ. Tuy nhiên bầu không khí thì nồng ấm và thơm lựng, ngòn ngọt, đầm đậm, một thứ hương vị chẳng lời nào diễn tả được.
Bàn của hai cha con tôi kê kề một ô cửa sổ hẹp không có khung gỗ, giống như một lỗ thủng. Trông ra thấy sàn sàn nhấp nhô cả một vùng ướt át mưa thu những mái nhà phố cũ và những sân thượng, sân sau, những căn gác lửng. Một cũ xưa, tróc lở, nom là lạ, được nhìn thấy từ phía sau lưng.

Ngày hôm sau trận mạc chờ tôi, mà chiều đó cha đưa tôi nơi “trốn đời” ấy của người Hà Nội, nhấm nháp những giọt đắng ngắt và nghiền ngẫm ngậm ngùi bao nhiêu chuyện đời chưa từng bao giờ ông nói với tôi, có thể là cả chưa từng nói với ai. Cạn hai tách đầu, cha tôi gọi thêm hai tách nữa. Bao Tam Đảo đã hết, ông bóc bao khác, đưa mời tôi như mời một người bạn. Ông xòe diêm châm lửa cho tôi. Cha tôi rất nghiêm khắc. Xưa giờ, đừng nói bia rượu, trà với cà phê cha cũng không cho phép tôi, huống hồ thuốc lá. Nhưng bởi vì ngày mai tôi là người lính, lên đường ra trận nên với cha tôi, bắt đầu từ đây tôi là người lớn rồi, còn hơn thế, là người bạn, người để ông có thể tâm tình.
Bây giờ, mặc dù ham nghe những chuyện liên quan đến cà phê mà tôi ít uống cà phê, nhất là ít ra quán. Bởi những giọt cà phê, với tôi, quá nặng hoài niệm, quá nặng nỗi buồn nhớ, về cha tôi, về Hà Nội thuở xưa, và cả về thời trai trẻ của bản thân tôi.
                                                                                 Nguồn: http://www.trungnguyen.com.vn


2 nhận xét:

  1. https://chuyengiacoffee.blogspot.com/?m=0

    Chia sẽ niềm đam mê và chung tay phát triễn niềm đam mê

    Trả lờiXóa