Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Anh yêu em như ly cafe buổi sớm

Anh yêu em như ly cafe buổi sớm

Nếu có ai đó tỏ tình với một cô gái như vậy, thì anh ta sẽ nhận được phản ứng như thế nào? Một nụ cười ngạc nhiên, một ánh nhìn đầy dấu hỏi, hay đơn giản cô gái sẽ cười xoà và coi đó là một câu bông đùa có vẻ lạ. Nhưng với những người cần đến bốn ly cafe mỗi ngày thì đó thực sự là câu nói nghiêm túc.


"Em à, anh yêu em như ly cà phê vậy, em có biết vì sao không?" - vì mỗi buổi sớm thức dậy, anh không thể không nghĩ đến một ly cafe trên bàn làm việc để thức tỉnh cả buổi sáng công sở. Vậy nên, nếu anh yêu em như ly cafe sớm thì có nghĩa là mỗi ngày thức giấc, việc đầu tiên của anh là nhớ đến em.
"Anh sẽ chỉ luôn uống cafe đá, một ly đen đá em ạ" - triết lý cafe nói rằng: "Đừng nên hâm nóng lại cafe. Bởi nếu hâm nóng lại thì cafe sẽ mất hết mùi vị và gây ra vị đắng. Uống không ngon và sẽ có mùi khét". Cũng như cuộc sống thì đừng nhìn lại quá khứ, để quá khứ đi qua và không dằn vặt vì nó. Cũng như chúng ta, sẽ không quan trọng quá khứ của nhau mà sẽ chỉ nhìn vào hiện tại.
"Em là một ly cafe phin" - vì em từ tốn và nguyên chất. Em tinh khiết để từng giọt rơi vào trong tim anh, với tất cả sự nhẫn nại trong đôi mắt em. Cớ gì anh vội vã khi mà em - đang ở trước anh, hoàn toàn ấm áp như chiếc phin nhỏ xíu, chứa đựng bao sự đợi chờ, mong mỏi của anh được chạm môi vào... em và ly cafe.
Hôm nay, em hỏi anh: "Có người khi chưa đạt được cái gì đó, họ rất muốn, còn lúc đạt được thì họ có còn trân trọng?" Anh muốn nói với em rằng, anh từng là người không biết trân trọng những gì mình có. Thời gian trôi qua và anh lớn lên, nhận ra có những điều khi mất đi thì sẽ chẳng bao giờ có lại. Cũng như cafe thì không thể cứ hâm lại và uống. Có nuối tiếc bao nhiêu cũng đã trôi qua rồi. Anh muốn không lặp lại những nuối tiếc đó, không muốn mãi rang cafe hỏng để rồi mãi mãi ngồi tiếc những điều đã qua.
Anh từng uống một loại cafe được pha ở quán Arch với tên là "Cung bậc" - đó là một ly cà phê có đến 3 tầng khác nhau. Phần dưới đáy ngọt ngào, thơm lạnh; phần ở giữa màu cam sóng sánh, thơm mát dịu dàng, và một dòng đen-không-đường phía trên cùng. Khi chạm vào "Cung bậc", người pha chế đã giải thích với anh: tình yêu cũng giống như ly nước này, có đắng, có ngọt, có thơm dịu và cũng cả chua chát. Hãy uống và đi qua những cung bậc của tình yêu, để khi chạm đến đáy là điều ngọt ngào đến bất ngờ. Anh muốn chúng mình được trải qua những "cung bậc" như thế để có nhau trọn vẹn.
Từ hàng quán sang trọng đến hè phố nhộn nhịp, người Việt Nam đâu đâu cũng uống cafe nhưng cũng chẳng ở đâu người ta uống cafe như người Việt và nghiền ngẫm triết lý sống bên thứ nước đen quánh mà lại tinh tế đến nhường ấy. Giống như tình yêu, cafe chẳng hề phân biệt đẳng cấp, giai tầng. Mọi người đều thưởng thức như nhau, nghiền ngẫm như nhau, đến độ dù người uống cafe hay là nước chanh đá thì đều hỏi nhau một câu vào mỗi lần hò hẹn: "Cafe không?"
Thế nên, em à, hãy thay chữ cafe bằng một từ gì đó đi, ngọt ngọt nhé, anh uống cafe với đường đấy...

                                                                                                 - http://ngoisao.net -

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Cà phê phân voi đắt nhất thế giới



Với giá bán mỗi kg lên tới 1.100 USD, đắt hơn cà phê chồn, Black Ivory nếu pha chế sẽ có giá 50 USD (hơn một triệu đồng) mỗi ly.

Theo AP, loại cà phê mới này được sản xuất tại vùng núi thuộc tỉnh Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan. Sản phẩm mới nhanh chóng "chiếm ngôi" đắt nhất thế giới của cà phê chồn khi được bán ra với giá 1.100 USD một kg (so với giá khoảng 748 USD mỗi kg của cà phê chồn).
Có khoảng 20 con voi làm nhiệm vụ ăn và thải ra hạt cà phê tại đây. Blake Dinkin, người sáng tạo ra loại cà phê lạ này cho biết, axít trong ruột voi sẽ loại bỏ protein trong hạt cà phê (vốn là nguyên nhân tạo ra vị đắng), nhờ đó tạo ra hương vị đặc biệt, không còn đắng như cà phê thường. 



Blake chia sẻ: "Quá trình lên men tự nhiên trong ruột voi sẽ tạo ra hương vị cà phê mà chắc chắn các loại khác không thể có được". Anh đã chi 300.000 USD để biến ý tưởng của mình thành hiện thực.
Không chỉ vậy, cà phê do voi thải ra còn có vị... trái cây do được tiêu hóa cùng với chuối, mía và một số loại khác, và phải mất từ 15 đến 30 giờ tính từ lúc voi ăn hạt đến khi "ra thành phẩm". Trong quá trình tiêu hóa, rất nhiều hạt bị nhai, vỡ hoặc biến mất trước khi được bài tiết, nên khoảng 33kg hạt mới thu được một kg Black Ivory thô.
Đây cũng là một phần lý do khiến giá của loại cà phê này cao ngất. Ban đầu chỉ vài khách sạn hạng sang tại Thái Lan bày bán, hiện có thêm Cộng hòa Maldives và tiểu vương quốc Abu Dhabi. Giá mỗi tách cà phê Ngà đen lên tới 50 USD (khoảng một triệu đồng).
Black Ivory còn mang đến thêm việc làm cho vợ những người quản tượng tại địa phương. Công việc của họ là bới các đống phân voi, nhặt hạt cà phê còn lành lặn rồi đem rửa và phân loại trước khi mang đến các lò rang cà phê tại Bangkok.
Dinkin cho hay 70 kg hạt đầu tiên đã được bán hết, và đặt hy vọng bán nhiều gấp 6 lần trong năm 2013.
                                                                                                  - st -

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Cà phê võng


Cà phê k phải là thưởng thức ở những quán sang trọng, bài trí đẹp, bên cạnh đó còn những quán với tên gọi đơn giản cà phê cóc, cà phê bệt, .... và cà phê võng !!!

Hẳn nhiều người sẽ nghĩ đó là nơi để “mát mẻ”, nhưng thật sự đó là những quán cà phê đàng hoàng, nơi dừng chân lý thú cho khách đường xa mỗi khi về miền Tây bằng xe gắn máy...
Xuất phát từ TP.HCM bằng xe máy, tôi chạy rì rì suốt ba giờ đồng hồ mới tới TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Chạy lâu như vậy vì trong suốt đoạn đường tôi dừng lại 3 lần để ghé vào những quán cà phê võng ven đường.
Nơi tôi ghé vào đầu tiên là quán nằm ở đoạn đường thuộc huyện Bến Lức (Long An). Chủ quán Nguyễn Thị Kim Hạnh vốn là nông dân làm ruộng. Công việc đồng áng nhọc nhằn mà vẫn không đủ sống nên chị mở quán cà phê võng để tăng thêm thu nhập. Chị cười tươi mời chúng tôi vào quán, rồi mang ra cho mỗi người một chiếc khăn lạnh để lau mặt cho đỡ mệt. Chuyện trò với chúng tôi, chị bộc bạch: “Hằng ngày quán có khoảng 50 lượt khách đến. Ai đến đây cũng nghỉ thật lâu, từ 30 phút đến 1 tiếng. Có lúc họ nghe xong câu chuyện tôi kể rồi mới đi”. Chuyện gì mà vui vậy? Đó là chuyện làm ăn buôn bán, chuyện ruộng đồng, con cái, chuyện về rượu Gò Đen nổi tiếng ở Bến Lức.
Ghé một quán khác ở đoạn thuộc thị xã Tân An (Long An), quán này ngoài cà phê võng còn phục vụ thức ăn, chủ yếu là hủ tiếu, có khi là cơm trưa. Chính vì vậy mà quán khá xôm tụ với lượng khách vào ra đông. Anh Nguyễn Công Vinh (Q.3, TP.HCM) thường đi công tác bằng xe máy từ TP.HCM xuống Mỹ Tho và lần nào cũng ghé quán này. Anh cho biết: “Cà phê võng trên đường về miền Tây có một điểm chung là mát mẻ, chủ quán niềm nở, giá cả lại “mềm”. Chính vì vậy mà khách đường xa như tôi rất thích”.
Trên đường về, tại xã Phú An (Cai Lậy, Tiền Giang), sau khi để vuột hàng chục quán chúng tôi quyết định quay đầu xe để ghé quán cà phê võng có phục vụ... cây cảnh. Khá tò mò với bảng hiệu của quán, và khi chúng tôi bước vào thì được cô chủ Nguyễn Thu Thảo giới thiệu: “Quán cà phê này tôi mở được một năm, và sau đó anh Nhân chủ đất mới kết hợp mở thêm dịch vụ cung cấp cây cảnh. Nhiều khách đi đường đã ghé lại và mua cây cảnh chở về. Có người đi thăm vườn cảnh, nằm trên võng ngắm cây cảnh trong vườn cũng khỏe người, nhất là khi ngồi trên xe máy quá lâu”. Nghe cô chủ quán giới thiệu cùng cung cách phục vụ “cây nhà lá vườn” gần gũi, nhẹ nhàng của người miền Tây, những người khách ngồi kế bên bàn chúng tôi nói với nhau: “Đi đường xa mệt, có những quán cà phê võng dọc đường như thế này để nghỉ thì không gì bằng...”.
Điểm nghỉ lý tưởng
Đường dài. Mệt. Mỏi. Có một điểm dừng chân để “nạp năng lượng” vừa thoải mái, vừa rẻ như cà phê võng miền Tây là điều ấn tượng của những tài xế xe máy trên xa lộ. Nhiều khách du lịch là thanh niên muốn đi “bụi” về miền Tây cũng yên tâm vì trên đường đã có cà phê võng nghỉ chân. Anh Minh Thuận, khách du lịch “bụi” ghiền sông nước miền Tây cho biết: “Du lịch “bụi” có nhiều điều thú vị, rẻ, đi được nhiều nơi, có nhiều điều để khám phá. Trong đó, thưởng thức cà phê võng dọc đường về miền Tây là thú vui trong những lần đi “bụi” của tôi”.
Còn vợ chồng anh Thắng, chị Hòa ở Bình Chánh (TP.HCM) có quê ngoại ở tít Vĩnh Long, cho chúng tôi biết: “Chúng tôi đi từ TP.HCM về đến Vĩnh Long thường nghỉ khoảng 3 chặng. Lần nào nghỉ cũng ghé vào cà phê võng, ở đây, nếu buồn ngủ có thể thả hồn ngay trên võng, “đánh” một giấc trước khi tiếp tục hành trình. Còn nếu không, thưởng thức ly cà phê đá cho bớt căng thẳng!”.
Không chỉ là điểm dừng để uống cà phê mà theo chị Nguyễn Thu Thảo, quán chị còn đón cả khách có nhu cầu tá túc qua đêm khi người đi đường bị lủng ruột xe mà không tìm ra chỗ vá. Hoặc khách đi xa từ TP.HCM - Cà Mau mệt quá muốn ngủ qua đêm. Ngủ ở đâu? Chúng tôi hỏi và chị Thảo chỉ cái võng. Khách ngủ ngay trên võng sau khi gọi ly cà phê. Và thế là chủ quán phải thức để canh xe, giữ đồ và đón những ai lỡ đường qua đêm. Thế đấy, nhưng giá cũng chỉ tính gấp đôi (khoảng 16.000 đồng/ly, bao ngủ qua đêm trên võng - PV). Hôm chúng tôi ghé quán chị Thảo thì có hai khách TP.HCM đi về Đồng Tháp ngủ qua đêm vì “đến đó là mệt lả người, không đi tiếp được nữa”. Nhiều quán võng khác ở đây cũng sẵn sàng đón khách như thế.
Ấn tượng tốt về cách phục vụ cũng như đặc thù cà phê võng dọc quốc lộ 1A - đường về miền Tây cho chúng tôi một nhận xét: cà phê võng miền Tây là điểm nghỉ lý tưởng cho những người đi xe máy về đây! 
                                                                      Lưu Mạnh Khôi _ http://www.thanhnien.com.vn  

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Cafe cuộc sống !

           
      
               Cuộc sống vẫn tiếp tục trôi qua thật hối hả để rồi chợt giật mình ngoảnh lại thấy tuổi 30 của mình chưa có gì trong tay, có lẽ nào số mình là số hậu phát . Tình yêu ư, sao mà nan giải thế nhỉ, một cô gái hình thức trình độ cũng trung bình trở lên, không hiểu vì cao số hay sao mà đến giờ vẫn đang long đong đi tìm cái nửa kia của mình. Đến tuổi này, khi các mối quan hệ ngày càng hạn hẹp, vì đa số bạn bè cũng đã yên bề gia thất rồi, ngày ngày sáng dắt xe ra đi làm, chiều dắt xe đi về, ở công ty thì đồng nghiệp là các e tuổi đời còn rất trẻ, chả có cơ hội mà giao lưu, tìm hiểu nữa. Cứ thế cái điệp khúc nó tiếp tục ngày này qua ngày khác và đến giờ thì mình bắt đầu giật mình, chẳng lẽ cứ ngồi đó mà há miệng chờ sung, không thể đợi người khác lát đường cho mình,mình phải làm một cái gì đó. Và việc đầu tiên là ngồi vào máy tính và gõ những dòng chữ này. Đừng cười nhé, vì thời đại bây giờ là thời đại công nghệ cao, nên cái chữ DUYÊN có khi nó cũng loanh quanh ở đâu đó trên mạng, dù biết đôi khi trên mạng thì thật thật giả giả, mình thì nghiêm túc còn người ta thì giả danh. Nhưng có lẽ cũng không nên lý trí và tỉnh táo như vậy, vì mình tin cuộc sống này vẫn có những điều Kì diệu.

             Cuộc sống cũng giống như 1 ly café. Bạn ngồi bên cửa sổ, nhấc tách café lên…nhấp 1 ngụm…và chợt nhận ra rằng ly cafe chưa có đường. Rồi bởi vì ngại đứng dậy để lấy đường, bạn ngồi đó và uống ly café đắng. Khi ly café đã cạn, bạn mới phát hiện ra rằng đường đã không tan ra và dính ở đáy ly…Chúng ta mất quá nhiều thời gian để băn khoăn tại sao cuộc đời lại quá ảm đạm, nhạt nhẽo…, và tốn rất nhiều thời gian đi tìm kiếm sự ngọt ngào trong khi ta chỉ cần khuấy lên. Chính tôi, chính bạn sẽ làm cho cuộc sống của mình đầy hương vị nếu ta không chờ đợi. Hãy tận hưởng ly café của cuộc sống!.

Biết đâu chúng ta lại có cơ hội ngồi nhâm nhi với nhau 1 ly café.

P/S: cái chữ DUYÊN ở đây không đơn thuần là tình yêu mà có thể là tình bạn nữa nhé, không mọi người lại bảo mình đang viết bài đăng mục tìm bạn đời thì cái xúc cảm của mình thành ra không được trọn vẹn.

                                                                                                              -st-

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Cà phê đá hoàn hảo, bạn đã biết pha chưa?


Với người sành miệng và say mê cà phê đúng điệu thì cà phê đá không đơn giản là pha nóng rồi thêm đá mà bằng cách tinh tế hơn nhiều để thưởng thức vị ngon của nó.

     Nguyên liệu:
-  Cà phê đen
-  Đá viên.

     Bước 1:
Đổ cà phê vào một bình thủy tinh lớn


     Bước 2:
Rót nước lạnh vào bình cà phê, tỉ lệ tùy theo sở thích đậm nhạt của mỗi người.


    
Bước 3:
Khuấy đều cà phê và nước.


     Bước 4:
 Sau đó đậy nắp lại, để khoảng 8 giờ hoặc lâu hơn nếu bạn muốn.


     Bước 5:
 Khi cà phê đã hết thời gian ủ, đặt một lưới lọc lên một chiếc bình khác, phủ một lớp vải mỏng bên trên.

    Bước 6:
 Từ từ rót cà phê lọc qua lưới này. Bạn sẽ mất một thời gian để chờ cà phê thấm xuống, giống như khi bạn pha bằng phin vậy.


     Bước 7:
 Dùng muỗng nhấn nhẹ nhàng để nước thấm qua hết.


     Bước 8:
 Lọc cho đến khi hết phần cà phê.

Đổ cà phê đen vừa lọc vào bình thủy tinh khác, gạn lại phần cặn còn sót sau khi lọc.


     Bước 9:
Bỏ đá vào cốc.



     Bước 10:
 Rót cà phê vào cốc nước đá.


     Bước 11:
 Thêm sữa tươi khuấy đều là bạn có thể thưởng thức được rồi!


     Nếu không quen uống cà phê đắng bạn có thể thêm đường.


     … hoặc thêm sữa đặc.

Thực ra thì không quá cầu kỳ để có một cốc cà phê đá hoàn hảo vì với cách thức pha như thế này, bọc kín và bảo quản trong tủ lạnh bạn có thể lưu trữ cà phê được đến 3 tuần, thậm chí một tháng để có thể thưởng thức bất kỳ khi nào bạn muốn mà không phải pha lại nữa.




Chúc các bạn thành công!

                                                                                         Theo   afamily.vn