Suốt một thế kỷ qua, hương vị cà phê đã quyến rũ cả Hà Nội. Thứ
đồ uống có sắc nâu và vị đắng hiện hữu khắp nơi, từ khu phố cổ đến những
khu đô thị mới. Cà phê đã trở thành một nét văn hóa riêng ở Hà thành.
Cùng tiếp nhận từ Pháp, nhưng người Hà Nội và người Sài Gòn lại có sự khác biệt trong cách thưởng thức đồ uống này. Người Sài Gòn coi cà phê như một thức uống đại trà, giải khát, phụ lẫn trong bữa ăn sáng. Cà phê người Sài Gòn thưởng thức thường là thứ pha sẵn, khá loãng, được bỏ nhiều đường, đánh cho nổi bọt và uống kèm với nhiều đá vụn, khi uống vị đắng thì ít nhưng vị ngọt thì nhiều.
Người Hà Nội thưởng thức cà phê cầu kỳ hơn. Họ uống cà phê theo cách riêng để tạo ra thứ văn hóa cà phê của riêng mình. Người ta nhập cà phê nguyên hạt về rồi tự chế biến, rang, xay và pha bằng phin. Mỗi quán lại có những cách pha với thủ thuật riêng để tạo nên mùi thơm, hương vị đặc trưng. Ở Hà Nội, người ta đến quán cà phê không chỉ đơn giản là uống trước khi bắt tay vào công việc, mà còn để giao lưu, gặp gỡ.
Cũng như thời gian và năm tháng, cà phê ở Hà Nội có nhiều đổi thay, cả về "gu" và cách thưởng thức. Nhiều quán mới xuất hiện, có quán thì ngày càng đông khách và phát triển rộng, có quán thì thương hiệu mai một đi và thưa dần khách.
Cà phê Hà Nội trước nổi tiếng với hai quán Nhân và Giảng. Sau là những tên tuổi như cà phê Lâm, cà phê Mai, cà phê Năng và cà phê Thái, cà phê Thọ. Đây là những quán cà phê bậc nhất với hàng chục năm tuổi. Hầu hết những quán này nằm trong những nhà cổ, phố cổ, với tường vôi bạc màu, mái ngói rêu phong.
Trong đó, cà phê Lâm ở đường Nguyễn Hữu Huân được biết đến bởi cà phê ở đây được chủ quán lựa chọn loại đặc biệt và kết hợp đặc tính của từng loại cà phê để tạo ra độ chua, đắng, ngậy riêng biệt.
Lâm còn nổi tiếng bởi bốn bức tường trong quán ken đặc những bức tranh của các danh họa tên tuổi như: Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Võ Tư Nghiêm, Nguyên Hồng, Nguyễn Sáng...Nghe nói có giai thoại rằng, trước kia chỉ là một cái xe đẩy bán cà phê cho dân văn nghệ sĩ, các hoạ sĩ không có tiền trả cà phê thì... tặng tranh, còn ông chủ quý nghệ sĩ cũng vui vẻ nhận tranh thay tiền.
Ngày nay, quán cà phê bung ra khắp Thủ đô với những thương hiệu phong phú, đa dạng như: Cà phê Trung Nguyên, Highland, My Way, Ciao. Các quán cũng đa dạng hóa thức uống với những món ngoài cà phê như: Sinh tố, nước chanh, trà, nước hoa quả, các loại đồ ăn khô nhẹ. Thậm chí, để thu hút khách, người ta còn phục vụ cả ăn sáng, ăn trưa, fastfood, rồi trang bị cả wifi, bi-a, karaoke.
Hiệu cà phê cũng được thiết kế theo nhiều phong cách khác nhau, từ ồn ào, bình dân, tới trầm lắng, lãng mạn, nhẹ nhàng và cả sự sang trọng, cầu kỳ, phô trương. Và hầu hết các quán này thường sử dụng nhạc với những giai điệu nhạc cổ điển, những bản nhạc jazz, country, tiền chiến, không lời trên kèn saxophone, ghi ta, violon... làm một phần để hấp dẫn khách. Tại đây, người ta có thể ngồi trầm tĩnh, thư thái trò chuyện, nhấm nháp tách cà phê đắng pha ngọt lịm.
Một điều rất thú vị là cà phê ở Hà Nội mang hương vị riêng theo mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông. Sớm mùa đông, ngồi vỉa hè nhâm nhi tách cà phê đen nóng cảm thấy khoan khoái trước không khí lạnh se sắt của gió mùa.
Tối mùa hạ, ngồi giữa lòng phố cổ thong thả cầm thìa mà ngoáy ly cà phê thật kĩ, để tất cả phần sữa bên dưới hòa vào phần cà phê đen bên trên.
Mùa hoa sữa về, sớm tinh sương không khí thoáng đãng, yên tĩnh, ngồi ở vỉa hè phố Nguyễn Du hay Lê Văn Hưu, Triệu Việt Vương, Ngọc Khánh... nhấm nháp một ngụm nhỏ nâu đá, tự nhiên lại thấy chất nước ấy ngọt ngào hơn, thơm hơn.
Theo monngonhanoi.net
Không có nhận xét nào: