Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Phố trắng mưa ban sáng

    

   
     Ph bắt đầu sáng trắng đường bằng những cơn mưa ban sáng. Mưa tràn trên những con ngõ nhỏ tựa hồ muôn vàn dòng sông tình tự dìu dặt vắt vào nhau. Trên những tàn cây sao già phố cũ, tiếng mưa vỡ ra, không ồn ào mà nhịp nhịp đều như tiếng guitar thùng bập bùng, nghe loáng thoáng đâu đó tiếng còi tàu sớm, tiếng nhạc trải trên những mái phố thấm đẫm nước. Người đến sở làm, người vào cửa hàng, tụi học trò lóc chóc áo mưa bay về trường. Quán trà đầu phố đông nhức mắt, đông đến độ bất thường. Hương thơm là lạ từ thứ trà Tà Phìn tỏa dọc một dãy phố dài, thoạt đầu thấy ngốt trong người nhưng bù lại là nhìn ra hiên mưa thấy những tàn cây rũ lá trên đường đẹp không ngờ. Nguyễn vươn tay ra ngoài ban công, nắm lấy những chiếc lá sao đã rụng. Những chiếc lá xanh một cách khỏe khoắn, chắc chúng rớt trong gió mạnh đêm qua. Cô gái phục vụ có hai bím tóc kiểu những vai cổ trang trong phim tập Hồng Kông có cái nhìn là lạ: Cậu uống trà Tà Phìn như mọi khi? Dạ! Mỗi khi ngồi đây, Nguyễn lại liên tưởng tới những bóng cây trà đại thụ choáng hết cả tầm mắt người và mỗi đông sang, chúng lại nhú ra những búp xanh lực điền, khỏe khoắn và vạm vỡ. Đó là một ý chí kỳ lạ, một sức mạnh kỳ lạ. Giống như cha, như các anh Nguyễn vậy. Cậu hôm nay không đến lớp? - Vẫn tiếng cô phục vụ hai bím tóc cổ trang. Dạ! Những ngày mưa lớp học rất buồn thảm. Nhưng ngồi quán trà cũng đâu có vui? Chẳng vui hơn nhưng tôi đang chờ một người bạn.
Nguyễn đang chờ một người bạn, hình như lâu lắm rồi, bạn chẳng qua con phố này. Nó là một phần câu chuyện, là tập một trong một bộ phim dài, lâu lâu giữa những phút nghỉ đứt quãng tại nơi làm thêm, bạn quẳng vào trong máy của Nguyễn những câu chuyện vội vã. Em đã đi học tiếp, kết quả cũng không tốt lắm. Kỳ này thi lại hai môn… Dạo này nghe nói anh đã khá hơn, hôm nay lĩnh học bổng thì khao chứ… Công việc của anh thế nào, ý em là chỗ làm thêm ấy mà. Vâng, lương bổng chưa phải là mục đích duy nhất. Vâng, cái cuối cùng ta có được trong những năm tháng này là kinh nghiệm… Rồi thôi. Lâu lắm không gặp mặt. Bạn đã có chỗ đứng, cho dù trong lớp bạn là một sinh viên trung bình kém. Nguyễn cho đó là điều bình thường. Như Nguyễn giữa tập thể 45 con người ấy, Nguyễn cứ chìm đi lạc lõng và điểm số không bao giờ quá 8, vậy mà cũng còn có được một việc làm bán thời gian khá ổn nữa là. Nguyễn giữ mục cho một tờ báo tuần, thường xuyên phải đi tìm "sao" để thu lượm những chuyện vô thưởng vô phạt. Một công việc vô vị và khá tẻ nhạt, nhưng là mơ ước của nhiều người. Có nhiều "sao" thích lên mục "lượm lặt" ấy, nó dễ đọc và khiến độc giả dễ tin hơn mấy bài ngợi ca hàng mấy trang báo khổ lớn. Nhưng cả lớp không ai biết chuyện này. Đó là thành công ngoài sức tưởng tượng, là điều mà Nguyễn rất đỗi an tâm. Cho đến khi trong lớp xuất hiện tiếng nhạc điện thoại và tiếng bạn reo mừng phía đầu dây bên kia. Bạn được nhận một vai nhỏ trong một bộ phim lớn, kịch bản thì Nguyễn đã viết rồi, nhưng nhân vật đó là một vết bút khá mờ nhạt. Vậy là bạn đã cố tình muốn lên mục lượm lặt. Nguyễn không muốn điều này đến với bạn, nó rất đỗi phù du. Nhưng bạn muốn là sao sớm hơn những công việc mình đang làm. Nguyễn từ chối. Có một cuộc chuyện khá to tiếng và nhiều đôi tai thính nhạy đã biết hết nội dung. Nguyễn bảo bạn: Chẳng cần điều đó. Trần cứ là chính mình đi, được không? Họ đã ra quán trà này, hôm đó vào chiều muộn, phố có nhiều khói mỏng và quán thưa người. Cô phục vụ mang cho họ hai tách trà có vị long nhãn. Bạn ngồi với hai con mắt trân trân nhìn Nguyễn. Bạn chưa bao giờ nhìn Nguyễn như vậy. Nguyễn cúi đầu: Anh không thể làm điều gì mình cho là vô lý. Bạn nhìn màu xà cừ trong tách trà, rồi đứng dậy: Thôi, Trần về, cũng chẳng hơn thiệt gì đâu. Và Trần phải tìm một lối đi khác, rất khác. Bạn đi thật, Nguyễn nghe tiếng guốc bạn nện mạnh trên thang gỗ. Tách trà hôm đó rất nguội, nguội đến nỗi Nguyễn phải rùng mình khi khẽ nhấp môi. Cô phục vụ ý tứ bảo: Hai người đã giận nhau? Nguyễn cười nhẹ: Không, chẳng có gì đâu, chỉ là một chút hiểu lầm. Chút hiểu lầm ấy để bạn và Nguyễn không gặp nhau nửa năm rồi. Hồi ấy Hà Nội vào vụ rét ngọt, phố xá như co mình lại và người ta cũng thích co ro trong những căn phòng có lò sưởi ấm sực, bên bình trà túi lọc và xem tivi hơn.
Thế nên Nguyễn thấy mình nhẹ nhàng hơn khi đến quán. Trong từng chiếc bàn nhỏ để những chiếc bình cũ màu da lươn, giản đơn nhưng luôn làm Nguyễn thắc mắc. Chúng ở đó dường như chỉ làm một nhiệm vụ là để cho mặt bàn đỡ đơn điệu với một cành xương rồng nho nhỏ trong chiếc hủ màu rêu tàn. 
Nhưng cô phục vụ hai bím tóc dài bảo, nó là vật trang sức, là sản phẩm cho ý tưởng của một người đàn ông không mấy sành điệu về gốm sứ và sắc màu. Nguyễn bảo, vậy sao chị không thay chúng đi, thử mạnh mẽ để làm bộ mặt mới của quán, cô phục vụ cười buồn, tôi chẳng làm được điều ấy. Tôi là con gái, một cô gái phục vụ trong quán trà thôi mà. Khi ấy Nguyễn chẳng hiểu gì. Nhưng về sau, khi biết Trần giận mình vì một điều hệ trọng thì Nguyễn nghiệm ra cô phục vụ đã đúng. Trần cần Nguyễn trong những lúc hoảng loạn thì Nguyễn đã cương quyết chối từ. Trần là một cô gái, một cô sinh viên cùng quê ra tỉnh với Nguyễn mà thôi. 
Bạn đã đến. Không giống như những gì người ta nói, bạn vẫn mặc áo dịu dàng và mái tóc dài có đường ngôi chẻ thẳng. Mười tám tuổi, bạn bắt đầu nổi tiếng. Người ta hay nhắc đến bạn với hai từ nghị lực. Những tập phim như một cây cầy vòng cung, có thể là hay hơn nhưng có thể thật lố bịch và buồn cười. Có ông già bất đắc chí trong xóm trọ của Nguyễn đã từng nghêu ngao trong cơn say tràn trề ngày mưa rằng: "Ngồi buồn xem Việt Nam phim, không bằng…". Nguyễn đã rất buồn cười khi nghe câu lục bát khá tục đó, nhưng rồi lại câm lặng khi nghĩ đến bạn. Nhiều khi ngồi một mình, vừa thương mà lại vừa giận bạn. Nhưng Nguyễn giống một kẻ vô tâm, một kẻ không mang trong mình khát vọng và chí tiến thủ. Nguyễn không làm được gì cho bạn cả. Mà bạn lại cần Nguyễn điều đó, Nguyễn là con trai mà. Ngày ra đi, bạn từng nói với Nguyễn: Phải cố gắng, thành công rồi trở về. Thành công là cái gì? Hai mươi tuổi, Nguyễn đã làm được gì? Chưa là ai đâu và chưa làm được gì, nhớ lấy điều này anh bạn nhé. Vang vang trong tâm trí Nguyễn luôn là những điều đó. Những đêm khuya lắc lơ trên căn gác hầm hầp nóng, nghe mưa đập chát vào mái tôn, nghĩ đến những chiếc hóa đơn cần phải thanh toán, những bài vở dang dở còn lưu trong máy và những cuộc hẹn vào ngày mai, thấy mình còn bề bộn lắm, còn nhọc nhằn sống áo với đủ thứ chuyện trên đời. Thế là lại hì hục làm thêm, lo cho đủ đầy cảm giác thoải mái của người khác, bào mòn dần những thú vui đơn giản mà những tưởng cần giữ lại cho mình. Lâu dần lại thành quen. 
Bạn bảo, anh gầy đi, nhưng như thế này dễ chịu hơn. Em sợ những cậu trai có khuôn mặt của em bé bụ sữa. Nguyễn cười, dạo này Trần có gì vui, kể anh nghe được không? bạn cười nhàn nhạt, có gì vui được chứ? Nguyễn bảo, với anh ngồi quán trà với bạn thân cũng là một niềm vui. Dạo này em có nhiều chuyện không được tốt - Bạn bảo. Là sao? Là chuyện công việc ấy mà, có những điều tưởng đơn giản mà lại chẳng phải thế. Nếu là anh, anh sẽ làm gì khi bị người coi như một thứ tạm bợ, một thứ "thiếu thì dùng"? Cuối cùng bạn đã chấp nhận quy luật khắc nghiệt của nghệ thuật. Một cô Nụ chân chất hồn nhiên thì người ta thấy mến. Nhưng đáng sợ nhất là cô Nụ ấy bị nhân bản, nhân bản một cách vụng về và cẩu thả. Nguyễn nhìn bạn, cười: Chẳng đáng buồn đâu, còn hai năm học nữa cơ, nó cho Trần nhiều điều khác những cái bây giờ. Bạn bảo, anh là người ngoài, anh nghĩ dễ dàng thế. Em thì không, em phải đương đầu, em phải vượt qua. Thì Nguyễn là người ngoài, chỉ là một anh đồng hương tốt bụng thôi mà. Bạn bảo, có chuyện gì khác hay hơn những cái vừa nói không. Nguyễn bảo, chả có gì. Hôm trước anh ghé qua nhà, Huệ Chi đã lấy chồng, Thương xuất khẩu lao động Hàn Quốc, mấy đứa khác chạy việc tứ tán, xóm mình bây giờ chẳng có thanh niên. Buồn. Bạn cười, có gì đâu mà buồn. Mỗi đứa phải tự tìm đường cho mình thôi. Có lẽ điểm này chúng mình không hợp nhau thì phải. Nhưng em cảm ơn anh, nếu hồi đó anh đưa em lên mục "lượm lặt", anh đã thành "tòng phạm" rồi. Như thế em sẽ không nhớ anh được nữa, bởi vì anh giống với quá nhiều người.
Trời mưa tháng Sáu. Bạn bảo, em phải về thôi. Chiều nay có một đoạn phim quảng cáo, em đóng chung với một thằng người mẫu. Thằng đó cao lớn nhưng hơi ngờ nghệch, hình như trí thông minh bị rò rỉ. Rồi bạn cười hinh hích. Anh mà đi đóng phim quảng cáo trà Tà Phìn chắc sẽ rất thành công. Không cần hóa trang, chỉ cần ngồi đăm đăm nhìn mưa trên gác hai và thi thoảng chiêu từng ngụm trà nhỏ. Cuối cùng, trên màn hình xuất hiện dòng chữ ấn tượng: "Khởi nguồn của thành công". Thế là ổn, hơn hẳn mấy mẩu quảng cáo nhiều tiếng ít hình. Nguyễn nhìn bạn, thấy là lạ. Trời vẫn chưa có ý định ngừng mưa. Để anh đưa em về, cuối cùng thì Nguyễn lên tiếng. Bạn nhìn Nguyễn, ánh mắt rất thành thật, rất ấm áp. Thôi, chẳng cần, em đến được thì sẽ tự về được. Nguyễn bảo, anh chỉ đưa em về, thế thôi, tất cả những người đàn ông trên thế gian này đều vậy mà. Cô phục vụ hai bím tóc dài cổ trang mang ra phiếu thanh toán. Cô nhìn bạn: Tôi vẫn hay thấy bạn trên tivi vào những buổi chiều. Lúc đó quán vắng khách và những tập phim làm tôi liên tưởng tới những thế giới khác rất lạ. Bạn cười: Chẳng là cái gì cả, bạn ạ. Có lẽ rất lâu nữa, bạn mới lại gặp tôi trong những tập phim. Nguyễn mỉm cười: Chị cho tôi mượn một cây dù, được không? Chỉ là che đầu thôi. Vâng, mưa khá nặng hạt. Nhưng chẳng hề gì, tôi đã quen mưa thế này từ ngày nhỏ. Cô phục vụ mang ra cây dù khá cổ điển. Bạn ngồi sau xe Nguyễn, nghĩ ngợi rất nhiều, cây dù tràn mưa rớt lộp bộp nước vào công tơ mét. Bây giờ anh đưa em đi đâu? - Bạn hỏi. Thì đi về. Về à, nếu thế thì em ngồi sau xe anh làm gì cho mưa chứ? Vậy Trần sẽ làm gì vào giờ này? Đi chơi đi, bạn em bảo, những ai đi cùng nhau dưới mưa, mai mốt tình bạn mới bền. Nguyễn cười, mưa chẳng có tội tình gì mà sao thiên hạ cứ ghép cho nó đầy ý nghĩa, cả yêu thương lẫn tức giận. Nhưng còn đoạn phim quảng cáo buổi chiều? - Nguyễn hỏi lại. Bạn nói nhẹ, rất nhẹ, tựa như làn hơi mỏng thoảng qua: Em cảm giác như nó đã trôi đi từ lâu, rất lâu. Mưa tràn ướt cả áo, đường thưa xe thưa người. Bạn bảo, mai mốt ra trường anh làm gì, có định về quê không? Câu hỏi bất ngờ làm Nguyễn giật mình. Về không? Nguyễn im lặng hồi lâu rồi ngập ngừng: Anh chưa thành công mà. Bạn cười, tốt hơn là anh nên ở lại. Để khi em thấy mình vô nghĩa và thừa thãi, em còn có người để cãi và biết mình còn có thể sống. Anh không được cãi lại em đâu đấy, anh là con trai mà. Em vẫn thường cho rằng, con trai vốn từ lúc lọt lòng đã biết cách chiều bạn gái. Bất giác Nguyễn cười lớn. Thà cứ mãi đơn giản thế này, cuộc sống của Nguyễn sẽ dễ dàng và đáng sống hơn. Anh lạnh lắm, biết không? Trong tấm gương xe nhòe nhoẹt nước, có một khuôn mặt méo mó, nhưng thật rõ là nụ cười. Một cái gì ấm áp và dìu dịu đang quấn ngang hông Nguyễn. Nguyễn phóng xe đi, đi mãi mà không dám nhìn xuống. Phố sáng trắng những cơn mưa ban sáng, bất tận. 
                                                                                                                                                                                                                                                                                 Truyện ngắn                                                                                                                      Dương Bình Nguyên

         Đôi lời của người đăng bài : " Vẫn biết bài đăng này không hề nói đến cafe, nhưng với cá nhân tôi cảm nhận bài viết này nó rất gần gũi với cà phê, cái cảm giác ngồi 1 mình trong quán, ngồi nhâm nhi 1 li đen, nghĩ mông lung, khi đó mà đọc câu chuyện này thì quả thật nó như 1 ly cà phê thêm tí đường , chắc chắn dễ uống hơn và ngon hơn với đa số khách hàng. Tôi đã đọc bài này trong quyển " Phố trắng mưa ban sáng " có lẽ là từ năm 2005 -2006, quả thật đến giờ các suy nghĩ cảm xúc vẫn y nguyên như ngày mới đọc, 1 cảm xúc mà tôi không tả được  "

Không có nhận xét nào: